Quay lại

Kinh nghiệm về các phương thức xét tuyển và kì thi dành cho lớp 12 - Phần 1

::: tip Có rất nhiều thứ mình cần phải chia sẻ để giúp các bạn học trước 12, hoặc học trước 12 cần phải nắm rõ, nên bài này mình tách ra thành nhiều phần. Các bạn lưu ý. Nếu có đóng góp, ý kiến bổ sung vui lòng inbox cho mình tại đây :::

Phần 1: Giới thiệu chung

Hiện tại, có rất nhiều phương thức xét tuyển Cao đẳng, đại học. Những bạn học để tốt nghiệp thì có thể bỏ qua, vì sẽ lãng phí thời gian của các bạn.

Mình sẽ liệt kê 4 con đường chính để các bạn có thể xét tuyển, dựa theo mức ưu tiên:

  • Xét tuyển học bạ kết hợp chứng chỉ IELTS/SAT.
  • Xét tuyển dựa trên kết quả kì thi HSA a.k.a Đánh giá năng lực ĐHQGHN.
  • Xét tuyển dựa trên kì thi TSA a.k.a Đánh giá tư duy ĐHBKHN. - Xét tuyển dựa trên điểm thi THPTQG.

Như các bạn thấy, có rất nhiều phương thức xét tuyển, và mỗi phương thức lại yêu cầu một cách học tập riêng. Chi tiết về các phương hướng ôn tập mình sẽ đề cập trong các bài sau của Series. Nhưng tóm tắt: Hãy ưu tiên HSA, còn nếu thi Bách Khoa thì thi TSA.

Ở bài viết này, mình sẽ chỉ ra những lưu ý chung cho các phương pháp.

1. Lưu ý nhanh cho các bạn tập trung thi HSA, TSA, thi học bổng FPT, xét học bạ:

  • Với các bạn thi HSA, con đường của các bạn khác với các bạn thi lấy điểm THPTQG. Đừng học cách giải nhanh, mẹo bấm máy gì đó, các bài HSA chống bấm máy rất chặt.
  • Với các bạn thi TSA, con đường của các bạn cũng khác không kém. Các bạn phải học tự luận, vì tự luận chiếm 5 điểm còn trắc nghiệm 10 điểm.
  • Với các bạn thi học bổng FPT, học trong nhóm Săn học bổng. Kiểu gì cũng ăn được ít thì 50%.
  • Với các bạn xét học bạ, cố gắng càng cao càng tốt, nhưng trên 8 từng kì và TBM để đủ điều kiện xét tối thiểu. Vậy nên là học đều nhé, đừng học lệch.

2. Giai đoạn chuẩn bị và ôn tập

Ở bước này, các bạn hầu như thong thả và không chú ý. Nhưng đây sẽ là sai lầm đầu tiên của các bạn. Có thể bình tĩnh, nhưng không được cẩu thả.

Việc đầu tiên các bạn cần làm là tìm hiểu trước các phương thức xét tuyển, đề án năm hiện tại và vạch ra mục tiêu của mình.

Sau đó, các bạn bắt đầu lựa chọn phương pháp học hiệu quả cho mình.

2.1 Học offline hoàn toàn.

Với các bạn CG-ers, thì mình sẽ giới thiệu danh sách thầy cô trong trường mình đã từng học qua, cũng như một số lưu ý về cách dạy học của các thầy cô.

Môn Toán

  • Thầy Chí: Phù hợp với các bạn học sinh khá - giỏi. Các phương pháp thầy sử dụng rất sáng tạo, hơn nữa thầy rất nghiêm túc và chuyên tâm trong giảng dạy. Có điều thầy giảng khá nhanh và lướt, nên nếu bạn có khúc mắc vui lòng trực tiếp đưa ra ý kiến. Bài tập thầy đưa có mức phân bố khó - dễ rất phù hợp để luyện tập, nếu bạn làm hết và chăm chỉ thì chuyện được 9+ là điều hiển nhiên.
  • Thầy Hiến: Thầy dạy kĩ, các bạn học tự luận có thể tham khảo cách trình bày của thầy. Mặt trái là có nhiều bài toán thầy đi đường vòng, cách làm chưa được khoa học và hay. Lượng bài tập thầy cho khá nhiều, chủ yếu là từ mức 8+ đan xen với 9+, lúc mình học cũng hay bị rối. Thầy có yêu cầu về việc hoàn thành bài tập đầy đủ nên bạn cũng cần lưu ý.

Môn Lý

  • Thầy Hoà trắng: Thầy vui tính, hay kháy và hay bắt đứng góc. Các bạn vui lòng chú ý trong lúc thầy giảng và không ngủ gật. Bài tập thầy cũng không thường xuyên kiểm tra. Bài tập thầy đưa theo mình đánh giá là khá ổn và phù hợp cho các bạn thích mài dũa. Về độ hay của bài giảng, mình đánh giá ở mức trung bình, vì rất nặng công thức, còn bản chất thì thầy không phân tích quá kỹ, yêu cầu học sinh có tính tự giác rất cao.

  • Thầy Dương (phó hiệu trưởng trường Tuệ Tĩnh): Nói trắng ra là bố của người anh em chí cốt của mình, và mình xin làm môn đồ của thầy học được 3 tháng vì không hợp học thầy Hoà. Với những bạn hay tò mò, thì thầy Dương sẽ giảng rất kĩ cho bạn. Phù hợp với các bạn mất gốc, đổi khối, etc, hoặc muốn đi sâu vào bản chất.

Môn Hoá

  • Cô Liên: Cô nghiêm khắc, ngày trước thì cô khó tính nhưng bây giờ cô bế cháu nên cũng đỡ khó tính hơn. Yêu cầu các bạn có tính tự giác và kỉ luật cao vì cô thả chứ không quá sát sao, các bạn cũng lớn rồi còn gì. Phần lý thuyết cô đưa rất nặng, cố nhét vào đầu nhé, yêu bạn. Lượng bài tập của cô cũng nhiều khủng bố, nhưng nếu bạn muốn đạt 9+ trong 5p giải bài thì làm nhiều vào.

Môn Sinh:

  • Cô Khiêm: Cô được phân công dạy cả các bạn khối thường, nên các bạn học khối B học trong giờ cô vui lòng chú ý vì có thể bị ồn. Về phương pháp giảng thì mình đánh giá ở mức trung bình. Cô khá là nghiêm khắc, nên các bạn đừng quậy tung nóc nhà trong giờ cô nha. Set bài tập mình đánh giá là rất hay cho các bạn ôn HSA và ôn chống liệt. Cam đoan bạn làm xong từ liệt lên 6.5 nếu chú ý học.
  • Cô Diệp: Cái này mình sẽ viết sau, vì còn phải đi hỏi đã.

Môn Văn:

Mình biết các bạn có thể chỉ ôn tốt nghiệp, hoặc thi khối D có cả văn.

  • Cô Yến: Cô thả bọn Tự nhiên học thoải mái, nhưng bọn Xã hội thì bóp rất căng, theo mình nhớ là như thế. Với lớp tự nhiên, cô dễ chịu, hiền, bạn nào mà định ngồi lên đầu cô thì mình xiên bạn đầu tiên. Cô đưa ra nhiều hoạt động thuyết trình để các bạn kiếm điểm, hãy tích cực nhé vì nó giúp cho tiết của cô đầy máu lửa và học bạ của bạn giữ ở mức đẹp. Kiến thức cô giảng dạy cũng rất dễ hiểu và có mở rộng. Nhìn chung không có gì để chê vì mình có theo văn đâu mà biết, mình học để thi HSA thôi.

Môn tiếng Anh:

  • Cô Hương a.k.a phó chủ nhiệm xinh đẹp: Ừ mình sẽ dùng hai từ xinh đẹp để mô tả, vì cô trông rất trẻ. Cô vui tính, nhưng nghiêm túc, và sát sao, rất lo cho các bạn. Cô rất chú trọng thái độ học tập của các bạn, và hăng hái sẽ là điểm cộng cho học bạ của bạn. Cô giảng cũng dễ hiểu, nhưng nặng lý thuyết, và cô kiểm tra rất thường xuyên, vì đề bạn làm thấy khó thì là cô ra đấy. Ai thích làm đề khó thì hỏi cô nhé.

Môn Địa lý:

  • Thầy Thuật: Thầy nghiêm túc, nam tính và quan tâm tới học sinh, nói chuyện rất duyên. Thầy giảng hay lắm, lại nhiều kiến thức mở rộng. Tuy nhiên phần giao bài tập thì thầy chỉ để bài đó cho các bạn chứ không chữa quá kĩ.
  • Cô Nhuân: Cô iu của mình, cô nghiêm khắc lắm. Thông tin bổ sung sẽ bổ sung sau nhé.

Môn Lịch Sử:

  • Cô Liễu: Cô rất nghiêm, rất căng. Các bài giảng nặng về phần lý thuyết, nhưng tone giọng của cô đã biến tất cả mọi thứ trở nên buồn ngủ. Nhưng nếu bạn không buồn ngủ thì nó hay, và ổn để cho bạn sống qua kì thi THPTQG.
  • Cô Nga: Cô tạo ra bức sóng nhiệt và sấm chớp trong bán kính 200m, bạn chỉ cần nhìn là sẽ thấy năng lượng chảy từ trán cô xuống tận chân. Cô rất nhiệt tình, quan tâm và sát sao các trò, và mua kem cho ăn khi ôn tốt nghiệp. Các kiến thức giảng dạy súc tích, và đủ cho bạn thi HSA một cách bình tĩnh tự tin. Lượng bài tập cô lấy nhiều nguồn, có cái hay, có cái không, hên xui. Nếu muốn ôn HSA thì bảo cô, cô sẽ đẩy cho ôn cùng với các bạn học Xã hội.

Môn GDCD:

  • Cô Lựu: Cô nghiêm, căng, nhiệt tình, nói chuyện khéo. Cô là vua của bộ môn Triết, bài giảng rất hay và thực tiễn ở những khái niệm khó mô tả trực quan. Thông tin sẽ bổ sung sau.

2.2 Học online với các thầy cô trên mạng.

Trước khi bắt đầu học online, thì mình phải lưu ý cho bạn một vài điều sau:

  • Phí học rất cao dù chia ra rất rẻ, vì bạn đóng 1 lần. Với mỗi môn, bạn sẽ cần khoảng 1-2 triệu đồng tuỳ khoá.
  • Yêu cầu tính tự giác, kỷ luật rất cao.
  • Nếu muốn trải nghiệm, có thể học các bài giảng thử của thầy cô. KHÔNG học lậu. Các bạn học lậu dù được học nhiều khoá, nhưng thành ra lại rất lãng phí, và đôi khi vô trách nhiệm với đồng tiền mình bỏ ra, vì có 1-200 ngàn có khi các bạn mua về để yên tâm nhưng không học hết. Một điều nữa là các bạn cũng không được các thầy cô và Cộng tác viên hỗ trợ, và cũng không được cập nhật học liệu mới nhất. Dù vậy thì, tiền của bạn, bạn tiêu sao thì mình không quan tâm, nhưng cũng không nên đá chén cơm bát gạo của người khác. Nếu eo hẹp kinh tế, bạn có thể rủ tối đa 3 bạn mua chung để đảm bảo trải nghiệm.

Sau đây là một số đánh giá của mình về các khoá mà mình đã học, kèm học phí.

  • Toán: VTED - thầy Nam: Học phí trọn gói Combo X là 2 triệu rưỡi, không học được thì chia nhé, thầy cũng bảo thế. Phù hợp cho các bạn từ 8+ trở lên. Với khoá PRO X, thầy đưa ra rất nhiều dạng lý thuyết, và cách giải bài của thầy rất sáng tạo, vô địch luôn, đúng bản chất và phương pháp giải nhanh dựa trên lý thuyết chứ không phải đặt tên là sơ đồ V hay ghép trục gì đó đâu mấy đó học bản chất là ra hết trơn, bạn học chắc giùm mình trong giai đoạn đầu. Xem hết, và làm bài tập. Lượng bài tập gồm 90 câu cho mỗi bài nhỏ nhỏ, từ dễ đến câu 45 là tịt mít. Không làm được trong 5p tra ID ngay để nhớ dạng làm sau, đừng mất công ngồi nghĩ, các thầy cô khác cũng sợ đề toán thầy Nam mà. Nếu bạn cảm thấy lướt lướt mà quen quen để làm rồi thì chuyển sang PRO XMAX cho mình, có cách giải rất nhanh các bài 8+ và 9+. Các bạn ôn TSA nhớ chú ý trình bày tự luận của thầy nhé, còn các bạn HSA thì luyện tốc độ. Lưu ý khác là thầy lười và có 3 cô công chúa rồi nên LIVE X cũng tuỳ lúc không cố định nhé. Thầy giảng trong LIVE rất nhanh, dạy lướt, bạn nào học yếu quá không trụ được đâu, các bài tập trong 30p live đầu thì khoai, mấy bài sau dễ thở hẵn và đến cuối lại khoai.
  • Hoá: TYHH - thầy Phạm Thắng: học phí trọn gói khoảng 2 triệu, nhưng bạn sẽ được vào trong LOVE VIP và được hỗ trợ cực kì nhiệt tình từ thầy và các anh chị, các bạn. Chăm xem live nha và comment nhiều động viên thầy. Thầy giảng vào bản chất, rất dễ hiểu, rất máu lửa. Bài tập hướng đến nhiều đối tượng học sinh, và đương nhiên nếu bạn làm chắc và học đủ các khoá chuyện đề VD-VDC. Đương nhiên, nó không quá nhiều, nhưng đánh đúng trọng tâm và chỗ hở của bạn. Thầy cũng chia sẽ kinh nghiệm học tập, làm bài, hướng dẫn, và giải quyết tâm lý cho các bạn nữa.
  • Lý: Vật lý Hà Đông - thầy Hải: Học phí trọn gói 499 ngàn nếu mình nhớ không nhầm, để rẻ vậy là để các bạn không học chui, ủng hộ thầy. Thầy cũng không tuyển CTV. Các bài giảng của thầy khá chỉn chu, tâm huyết, nhưng mình không thích việc thầy quá chú ý uy tín, hình ảnh của khoá học, vì cái đấy khi mình xem khoá học cũng đã biết thầy dành nhiều công sức, và mình tin là “hữu xạ tự nhiên hương”. Bài tập nhiều, chủ yếu đánh chắc 8 điểm, các bạn học VDC vui lòng xem kĩ trên web, kẻo học không chết lại chê thầy không dạy VDC thì tội thầy.
  • Sinh: Thầy Nghệ: Mình chỉ học 1 tiết qua Youtube, nhưng về đánh giá thì mình thấy thầy giảng chậm và dễ hiểu. Bạn nào học khối B thì phải bật 2X vì thầy nói chậm quá và hay đi uống nước trong lúc live. Nhưng giọng thầy hơi khó nghe.
  • Anh: Cô Trang Anh: Mình học ké nên không rõ học phí. Cô viết rất nhiều sách bài tập, các bạn mua về làm hết đảm bảo chắc gốc ngữ pháp. Điểm trừ là giọng cô lơ lớ và hơi khó nghe.

3. Giai đoạn nước rút:

Trong 2 tháng cuối, các bạn sẽ bắt đầu luyện đề thay vì học, vì học xong hết rồi. Mình nói luyện đề ở đây là để ôn thi THPTQG, còn các bạn tập trung vào HSA và TSA thì đừng cắm đầu vào luyện đề ngay.

  • In đề giấy, hạn chế làm Online vì nó tệ.
  • Các đề tốt nghiệp hay mình gợi ý: Chuyên Vinh, sở Hà Nội, sở Thanh Hoá, liên trường Nghệ An. Đó là những đề khó, và hay, sẽ giúp bạn bớt shock khi vào thực chiến.
  • Đừng tham. Bạn bấm giờ, làm hết 1 đề, xem live chữa, ôn lại kiến thức hổng. Bạn khoe nhiều đề thì cũng chỉ là mớ giấy lộn nếu bạn không làm hết và ôn lại.
  • Đừng hỏi người khác làm được bao nhiêu đề rồi. Đây là câu hỏi rất ngu xuẩn vì bạn sẽ làm hại chính bạn. Những người bạn của bạn làm được 2 đề 1 ngày và làm hết, nhưng đó không phải việc của bạn. Bạn hỏi xong cũng không giải quyết được gì, mà càng cuống và bỏ qua việc ôn tập kĩ và sát sao.
  • Xây dựng kế hoạch ôn tập tốt, phân bổ thời gian tốt. Luôn luôn ghi lại những phần thiếu, và ôn lại cách quãng trong 2 tuần. Uống đủ nước, ngủ đủ giấc, không thức đêm. Thức đêm giảm hiệu quả tiếp thu bài mới.
  • Cái gì không biết thì đi hỏi, đừng ngại.

4. Giai đoạn chuẩn bị thi (nói chung, không ngoại lệ cho HSA và TSA)

Cách 1 tuần trước khi thi, tâm lý là điều quan trọng nhất mà bạn phải chuẩn bị. Một số lưu ý cho bạn:

  • Không học thêm kiến thức. Đây là lúc ôn lướt qua một lượt những gì mình đã học. Và các môn bạn thi mỗi môn làm 1 đề, bấm giờ và xem điểm số. Các đề hay gợi ý mình đã đề cập ở trên.
  • Ăn no ngủ kĩ.
  • Thắp hương phù hộ, học tài thi phận mà.

Các vật dụng chuẩn bị, và chi tiết cho từng kì thi sẽ đề cập ở bài viết sau.

5. Khi đi thi

Bạn vui lòng chú ý những việc sau:

  • Kiểm tra dụng cụ và giấy tờ có liên quan, đựng chung trong túi Clear.
  • Mang nước trắng bóc tem.
  • Thi xong không so đề ngay, lấy tinh thần cho các môn tiếp.
  • Chờ đáp án chính thức từ Bộ, không xem linh tinh các live trên mạng.

Tạm kết

Như vậy là đã hết phần 1, gồm các ý chung và lưu ý cơ bản. Trong các phần tiếp theo, mình sẽ viết về từng phương thức và lưu ý riêng. Stay safe!